Dùng túi hút ẩm có thể xảy ra một số tai nạn không mong muốn cho người tiêu dùng, nên nó khiến nhiều người lo ngại về độ an toàn của chất được dùng để bảo quản này!?
Những sản phẩm chống ẩm quá quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Đặc biệt là với khí hậu ẩm ướt dễ có nhiều độ ẩm như Việt Nam, việc sử dụng những sản phẩm này đang được người tiêu dùng cũng như các nhà sản xuất sử dụng phổ biến để bảo quản vật dụng, các mặt hàng thực phẩm, nông sản,…
Trong thời điểm này, người tiêu dùng không khỏi băn khoăn về độ an toàn của những sản phẩm chống ẩm mốc này, đặc biệt là những gói chống ẩm được mang tên “hóa chất”.
Sau một loạt những sự cố trên, nhãn hàng One-One, nhà sản xuất có sử dụng gói chống ẩm liên quan đến những tai nạn trên cho biết, gói hút ẩm mà họ sử dụng là vôi bột (CaO), “là chất có độ hút ẩm tốt, an toàn cho thực phẩm và được sử dụng ngày càng nhiều vì có nguồn gốc từ thiên nhiên và gần gũi với con người, không độc hại”.
PGS.TS Phạm Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng cho biết về lịch sử sử dụng chất chống ẩm: Từ xa xưa, người dân lao động đã biết dùng vôi bột để làm chất hút ẩm để bảo quản hạt giống. Để tránh nấm mốc, người ta thường cho vôi bột xuống đáy của chum, vại, túi, sau đó lót lá chuối lên, tiếp đó là cho hạt giống. Sau này ngành công nghiệp hóa chất phát triển, người ta đã sử dụng các loại hóa chất để làm chất hút ẩm và có nhiều dạng đóng gói khác nhau để sử dụng.
Cũng theo PGS.TS Thịnh thì chất hút ẩm có những tác dụng chính: Thứ nhất là tác dụng hút ẩm để hút lượng ẩm có dư trong môi trường cần bảo quản. Thứ hai là hút oxy vì oxy có thể làm cho thực phẩm bốc mùi ôi khét của dầu mỡ, có thể khiến vi sinh vật yếm khí phát triển làm hỏng thực phẩm… Khi sử dụng chất hút ẩm thì tùy từng đối tượng bảo quản mà người ta sử dụng với mục đích hút ẩm, hút oxy, hoặc có thể vừa hút ẩm vừa hút oxy.
Có những loại chất hút ẩm là silicagen (SiO2), vôi bột (CaO), muối sắt hoặc muối kẽm…
Theo PGS.TS Thịnh: chất hút ẩm chủ yếu là hóa chất, đã là hóa chất thì không ăn được, thậm chí có những chất còn độc hại. Để tránh nhiễm độc trong quá trình bảo quản, nhà sản xuất phải dùng gói bọc bằng chất liệu giấy đặc biệt, những gói này có rất nhiều lỗ thủng li ti để hút không khí vào bên trong gói nhưng đồng thời cũng chặn không để hóa chất lọt ra ngoài. Các chất hút ẩm thường được sử dụng ở dạng hạt cứng, khi hút đầy nước, tức là đã bão hòa nó chỉ chuyển màu và có những loại có thể hình thành dạng gel cứng sau khi hút hơi ẩm bên ngoài.
Ví dụ như silicagen ban đầu có màu vàng, khi hút đầy nước nó chuyển sang màu nâu. Một số người chia sẻ nhau cách tái sử dụng những hạt chống ẩm này rang lên nhiệt độ cao để bay hết hơi nước và có thể sử dụng để hút ẩm tiếp.
Theo PGS.TS Thịnh, có thể sử dụng cách trên được, tuy nhiên việc rang bằng nhiệt độ thông thường sẽ không làm bay hết hơi nước trong hạt chống ẩm tốt như các phương pháp công nghiệp, tuy nhiên, việc làm này cũng không gây độc hại gì do khi rang chỉ có hơi nước bay lên chứ không giải phóng hóa chất ra bên ngoài
Vì vậy, về bản chất, các gói chống ẩm là không độc hại nếu sử dụng đúng chức năng của nó.
Bàn về những tai nạn liên quan đến các gói chống ẩm, PGS.TS Thịnh cho rằng: để xảy ra khi sử dụng gói chống ẩm thì lỗi thuộc về người sử dụng. Nhà sản xuất chỉ phải chịu trách nhiệm trong trường hợp những gói chống ẩm trên bị rách, bị ẩm ướt, bị lẫn hóa chất vào thực phẩm.
Còn tai nạn xảy ra do việc người sử dụng không biết mà xé gói chống ẩm ra thì họ không phải chịu trách nhiệm. Gói chống ẩm được dùng để bảo quản thực phẩm, vật dụng, nó đương nhiên là thứ không thể ăn được. Người tiêu dùng phải biết điều đó để loại bỏ nó ra khi sử dụng. Ngoài bao bì gói hút ẩm đều đã được ghi là” không được ăn” nhưng với trẻ nhỏ chưa biết đọc chữ thì có ghi chú thích cũng không có tác dụng. Đó là chưa kể đến phần lớn các trường hợp, với kích thước của một gói thực phẩm như gói bánh, gói kẹo thì gói chống cũng sẽ rất bé, không có diện tích để ghi dòng hướng dẫn.
Trên một diễn đàn, một phụ nữ từng chia sẻ: giúp việc nhà chị nấu súp cho con ăn, tưởng gói chống ẩm là gói gia vị đã cho cả vào, đến khi chị cho con ăn thấy con nhè ra mấy hạt tròn tròn, lúc đấy mới tá hỏa đi cầu cứu mọi người.
Chia sẻ về cách sử dụng các sản phẩm chống ẩm an toàn, không bị nhiễm độc, PGS.TS Thịnh cho rằng:
– Thứ nhất, việc quan trọng là phải tuyên truyền cho mọi người biết rõ: chất chống ẩm là hóa chất, không được ăn.
– Thứ hai, không cho trẻ tiếp xúc với các sản phẩm chống ẩm, vì trẻ con không biết, chúng rất dễ đưa vào miệng gây nguy hiểm.
– Thứ ba, với những gia đình có người giúp việc thì chủ nhà cũng nên giúp họ phân biệt rõ, cái gì dùng được, cái gì không dùng được để họ biết, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
– Thứ tư, đa số các chất chống ẩm ở dạng rắn và an toàn, còn với những trường hợp các gói hút ẩm trong thực phẩm bị ẩm ướt, bị rách, bị lẫn chất hút ẩm vào thực phẩm thì không nên sử dụng và nên báo với nhà sản xuất để có hướng xử lý kịp thời để tránh hậu họa về sau.
Đang Online : 47 |
Tổng Truy Cập : 171578 |
© Copyright © 2020, All Rights Reservered | Tổng truy cập: 171.578 | Online: 47